1. Đại cương.
1.1. Khái niệm.
Lỵ trực khuẩn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella gây nên và rất dễ gây dịch.
1.2 Mầm bệnh.
- Shigella thuộc họ vi khuẩn đường ruột, bắt màu gram âm, không vỏ, không di động. Căn cứ vào tính chất sinh hóa và kháng nguyên, Shigella được chia thành 4 nhóm sau:
+ Nhóm A: Shigella dysenteriae. Hay gặp và đáng chú ý là Shigella shigae (type 1) và Sh.Schimitzii (Type 2) vì chúng thường gây dịch lớn, bệnh lý nặng và tử vong cao hơn các type khác.
+ Nhóm B: Shigella flexneri.
+ Nhóm C: Shigella boydii.
+ Nhóm D: Shigella sonnei.
1.3. Cơ chế bệnh sinh
Shigella theo nước uống, thức ăn đi xuống dạ dày và ruột non, bị hủy một số lớn, số còn lại giữ nguyên độc lực di chuyển xuống đại tràng. Tại niêm mạc đại tràng, trực khuẩn lỵ gây viêm xuất tiết, chảy máu, tiêu hủy lớp biểu mô niêm mạc, đồng thời giải phóng ra nội độc tố. Nội độc tố tác động lên toàn thân gây hội chứng nhiễm độc nhiễm trùng toàn thân. Tại chỗ, nội độc tố tác động lên thần kinh hệ vận động, hệ cảm giác, hệ thần kinh thực vật gây triệu chứng đau quặn, mót rặn, đi ngoài nhiều lần. Độc tố cũng tác động lên tế bào niêm mạc ruột gây rối loạn chức năng hấp thu và bài tiết nước - điện giải.
2. Dịch tễ học.
2.1 Nguồn lây: Là người bệnh và người lành mang trùng.
2.2 Đường lây: Lây theo đường tiêu hóa, qua bàn tay, thức ăn, nước uống bị ô nhiễm.
2.3 Khối cảm thụ và miễn dịch
- Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh, hay gặp là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
- Sau mắc bệnh có miễn dịch không bền vững và không có miễn dịch chéo.
3. Lâm sàng.
3.1. Thời kỳ nung bệnh: Trung bình từ 1-5 ngày.
3.2. Thời kỳ khởi phát: Kéo dài 1-3 ngày. Thường đột ngột với các triệu chứng:
- Sốt 38-39 độ C , ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn.
- Đau bụng lâm râm, đi ngoài phân lỏng hoặc nhão, ngày 4-5 lần.
3.3. Thời kỳ toàn phát: Biểu hiện chủ yếu với 3 hội chứng sau:
- Hội chứng nhiễm trùng: Bệnh nhân sốt cao, sốt nóng, có thể kèm theo gai rét hoặc rét run, sốt thường kéo dài từ 2-4 ngày. Kèm theo có đau đầu, mệt mỏi chán ăn, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn, trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao hoặc do nhiễm độc.
- Hội chứng lỵ:
+ Đau bụng: Lúc đầu đau âm ỉ vùng xung quanh rốn, sau lan dọc theo khung đại tràng, dần dần đau quặn thành từng cơn ở hố chậu trái, làm cho bệnh nhân có cảm giác muốn đi ngoài.
+ Mót rặn: Sau mỗi cơn đau quặn bệnh nhân mót rặn và phải rặn nhiều khi đi ngoài, cảm giác đau rát hậu môn sau khi đi ngoài.
+ Phân: Lúc đầu sền sệt, sau không có phân chỉ có nhầy và máu. Nhày thường loãng đục như mủ trộn với máu hoặc toàn nước màu đỏ hồng như nước rửa thịt, mùi tanh. Mỗi ngày đi khoảng 15-20 lần hoặc hơn.
- Mất nước và điện giải: Do đi ngoài phân lỏng nhiều lần, bệnh nhân có thể mất nước với nhiều mức độ khác nhau: nhẹ, vừa và nặng.
- Nếu bệnh nặng và kéo dài có thể có thiếu máu, suy dinh dưỡng ở trẻ em, suy kiệt ở người già.
3.4 Thời kỳ lui bệnh
Nếu không có mất nước nặng, sau khoảng 4-5 ngày bệnh nhân hết đau bụng, đi ngoài phân thành khuôn, hết máu mũi và có thể khỏi sau 7-10 ngày.
Home
»
Bệnh lỵ trực trùng
»
bệnh truyền nhiễm
»
chăm sóc người bệnh lỵ trực trùng
»
Điều Dưỡng
» Bệnh lỵ trực trùng và chăm sóc người bệnh lỵ trực trùng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Post a Comment Blogger Facebook